Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay

110,000

CÕI ĐẸP

Quyển sách nhỏ này động đến một giai đoạn lịch sử lớn, lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, phong hóa, ngôn ngữ, văn chương, báo chí, mỹ thuật – nói chung là văn hóa. Chỉ trong vòng mười lăm năm, từ 1930 đến 1945, dằng co giữa cái cũ và cái mới trong xã hội đẩy dần cái cũ vào bóng tối đồng thời với những chuyển biến chính trị chấm dứt một quá khứ thuộc địa đau thương. Giới hạn trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay là hai mũi dùi bén nhọn nhất trong chiến trận giữa cũ và mới, đưa Lý Toét lên địa vị danh tướng có một không hai trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Chị Phạm Thảo Nguyên là một trong những người đã có công lớn sưu tầm để đưa lên mạng toàn bộ Phong Hóa và Ngày Nay tản mác khắp nơi. Đọc lại hai tờ báo oanh liệt một thời ấy, chị có dịp khám phá thêm tài ba xuất chúng của Nhất Linh trong những địa hạt mà ít người biết đến, nhất là mỹ thuật. Ngoài tiểu thuyết, Nhất Linh còn là họa sĩ, từng thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương, từng vẽ tranh trong báo, từng tạo không gian đẹp cho báo bằng tranh của các họa sư, chưa kể là cha đẻ của Lý Toét. Nhưng công lớn nhất về mỹ thuật của Nhất Linh, nghĩa là của Phong Hóa và Ngày Nay, là đưa một tài ba hiếm có lên ngai vàng của một vương quốc mà tôi xin được gọi là Cõi đẹp. Tài ba ấy là Cát Tường, tác giả của “Áo dài Lemur”, chiếc áo đã nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa đến nỗi bây giờ nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của bản sắc Việt Nam. Mượn giọng trào phúng của Phong Hóa và Ngày Nay, Cát Tường trào phúng hóa tên mình để đặt tên cho tác phẩm: tiếng Pháp “le mur” là cái tường, là bức tường, tên ấy cũng là cái mới đang đánh nhau với cái cũ, cái cũ ở đây là hai chữ Hán “Cát Tường”, rất bác học, rất nghiêm trang, rất không biết cười. Ông Cát Tường đưa tiếng cười vào áo: áo dài Lemur trước hết là một tiếng cười, tiếng cười trẻ trung, tươi vui, lạc quan, yêu đời của những nhan sắc đôi mươi thấy mình đã là bướm, không còn bị giam giữ nữa trong chiếc kén bí hiểm của gia đình, xã hội. Phải đặt áo ấy vào trong bối cảnh tươi vui của Phong Hóa và Ngày Nay mới thấy rõ toàn diện bức tranh của một xã hội chuyển mình, đổi mới từ trong ra ngoài, từ tâm hồn đến y phục.

Chúng tôi sinh ra trong khoảng thời gian chuyển mình ấy, nhưng quá nhỏ và lại ở chốn quê mùa, chỉ biết ông Cát Tường qua một mẫu áo dài duy nhất. Gần đây, nhờ xem một buổi trình diễn áo dài để kỷ niệm tác giả của áo, và bây giờ đọc sách này của chị Phạm Thảo Nguyên, tôi mới được biết ông Cát Tường không phải chỉ vẽ một mẫu áo mà nhiều mẫu áo dài khác nhau để mặc tùy mỗi hoàn cảnh, khi đi dự tiệc, khi đi chơi mát, khi hóng gió biển, khi trời lạnh mùa đông, khi nóng bức mùa hè, khi xuân đến, khi thu sang, mùa nào màu sắc nấy, ngày đêm đậm nhạt đổi thay, sang trọng, duyên dáng, thướt tha, hoa bay bướm lượn. Cảm tưởng gì gợi lên trong tôi? Không thể kể lịch sử của chiếc áo Lemur, cũng như không thể kể Tự Lực văn đoàn, tách rời khỏi sự xuất hiện tươi mát của một giai tầng xã hội trung lưu, trí thức, mơ mộng cái mới, giã từ cái cũ. Gọi họ là “tiểu tư sản” thì cũng được thôi, nhưng không có “tiểu tư sản” ấy thì không có sáng tạo Lemur này.

Danh mục: , Từ khóa: , ,
icons8-exercise-96 chat-active-icon