Bồ Tát Quảng Đức ngọn lửa và trái tim

270,000

Kỷ yếu Hội thảo về “Bồ tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân” là một tập hợp chủ yếu những bài tham luận đọc tại Hội thảo cùng một số tư liệu hồi ký của những người có liên hệ trực tiếp với phong trào vận động của Phật giáo tại miền Nam vào năm 1963.

Nội dung của kỷ yếu này được chia làm năm phần chính:

– Phần I bao gồm các văn bản liên hệ đến buổi lễ khi mạc Hội thảo.

– Phần II dành cho bốn tham luận bàn và cung cấp các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bồ tát Quảng Đức trước khi tự thiêu. Các tư liệu của phần này đa số là những tư liệu mới công bố lần đầu tiên về Bồ tát Quảng Đức trong thời kỳ còn trẻ tuổi của Ngài cùng các hoạt động Phật sự của Ngài vào thời kỳ ấy.

– Phần III gồm hầu hết tham luận và phát biểu của các vị nhân sĩ, trí thức, các vị lãnh đạo cùng những nhà nghiên cứu khoa học tham gia Hội thảo. Phần này tập hợp một số những thông tin mới, đặc biệt khai thác từ nguồn chính phủ Mỹ và ý kiến của các nhân vật thuộc chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về biến cố phong trào vận động Phật giáo năm 1963, nhất là sự kiện tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức.

– Phần IV dành cho người đại diện Ban tổ chức Hội thảo phát biểu tổng kết về các vấn đề mà những tham luận đưa ra và đánh giá những thông tin mà chúng đem lại cho nhận thức của chúng ta về sự kiện tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức cũng như phong trào vận động Phật giáo.

– Phần V tập hợp một số hồi ký và bài nghiên cứu chưa xuất bản hoặc chỉ xuất bản bằng tiếng nước ngoài, trong đó quan trọng nhất là hồi ký của Hòa Thượng Thích Trí Quang liên hệ đến quá trình Hòa thượng buộc phải vào lánh nạn tại tòa đại sứ Mỹ sau khi được thả ra từ trại giam Rạch Cát cũng như của bác sĩ E. Wulff người đã trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát Phật giáo đồ tại Đài Phát Thanh Huế vào đêm Phật đản rằm tháng tư năm 1963.

Thông qua nội dung vừa trình bày, chúng tôi hy vọng kỷ yếu “Bồ Tát Quảng Đức – Ngọn lửa và Trái tim” sẽ đem đến những nhận thức mới không chỉ về bản thân Bồ tát Quảng Đức mà về toàn bộ cuộc vận động Phật giáo cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo vào năm 1963, đặc biệt về sự kiện tự thiêu cúng dường chánh pháp của Bồ tát Quảng Đức.

(Trích dẫn trong LỜI GIỚI THIỆU của Lê Mạnh Thát – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam)

icons8-exercise-96 chat-active-icon