Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ

200,000

Về tư tưởng Phật giáo Ấn Độ hiện ở nước ta đang lưu hành các bản Việt ngữ sau:

  1. “Buddhist thought in India” của Edward Cone xuất bản năm 1962 được thầy Hạnh Viên dịch với nhan đề “Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”, NXB Phương Đông, 2007.
  2. “Ấn Độ Phật nguyên lưu lược giảng” của Lữ Trừng, hòa thượng Thích Phước Sơn dịch giữ nguyên nhan đề, NXB Phương Đông, 2011.
  3. “Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử” của ngài Ấn Thuận xuất bản năm 1988 hiện có 2 bản dịch:

– Thầy Quảng Đại biên dịch với nhan đề “Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”, NXB Hồng Đức, 2018.

– Thầy Thích Nhuận Thịnh dịch và phụ chú cũng với nhan đề “Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”, NXB Hồng Đức, 2020.

Trong tháng 4 vừa qua có dịp viếng chùa Pháp Âm ở Vân Canh, Bình Định, nơi thầy Nhuận Thịnh đương nhiệm trụ trì, tôi được biết thầy vừa in xong 2600 bản “Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ” và đã gởi tặng hết các trường Phật học và các tổ đình.

Nhận thấy, biết nhiều cổ ngữ là ưu điểm rất lớn trong bản dịch của thầy Nhuận Thịnh. Nhờ tham khảo các chú giải từ tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng và Hán cổ mà những phụ chú của dịch giả trở thành một phần quan trọng của dịch phẩm. Qua việc tìm hiểu các chú giải một cách kĩ lưỡng và phiên dịch chúng cũng giúp dịch giả hiểu rõ hơn những ý tứ chưa được rõ ràng trong nguyên tác Hán văn – vốn là đặc tính của loại ngôn ngữ tráng lệ hàm súc nhưng đa nghĩa này, từ lâu luôn là sự trở ngại không nhỏ cho những dịch giả chỉ biết mỗi Hán cổ. Đồng thời để góp thêm hương sắc tư liệu nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Ấn Độ đối với giới học Phật, chúng tôi đề xuất thầy cho in thêm 500 bản để phát hành, nhằm đưa sách đến với người có nhu cầu sử dụng mà trong mối quan hệ của mình với lượng sách ấn tống ít ỏi không phải ai cũng có được.

Bản dịch của thầy được hòa thượng Thích Nguyên Giác, Già Lam, Sài Gòn viết lời giới thiệu cũng đã góp phần xác tín thêm cho dịch phẩm.

Trước đây, dịch giả cũng đã cho ra mắt quyển “Nghiên cứu học thuyết Như Lai tạng” và quyển “Tìm hiểu nguồn gốc và nghiên cứu về triết học tánh không” đều dịch và chú từ tác phẩm của ngài Ấn Thuận.

Nhân đây, xin cảm ơn dịch giả đã dày công nghiên cứu dịch chú để làm giàu thêm tư liệu nghiên cứu cho giới học Phật Việt Nam. Chúng tôi cũng kính mong quý chư tôn đức, các bậc thức giả, quý đạo hữu gần xa tham khảo sách có những góp ý cho những thiếu sót khó thể tránh khỏi, để lần tái bản sau quyển sách của dịch giả được thêm phần hoàn chỉnh.

Danh mục:
icons8-exercise-96 chat-active-icon