Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam xã hội học

117,000

“Từ Saigon muốn đến làng Khánh Hậu người ta phải đi về hướng nam bằng xe chạy ngang qua Chợ lớn, thành phố Trung Hoa ồn ào náo nhiệt rồi xuôi theo miền lưu vực sông Cửu Long. Không một vùng ngoại ô lân cận nào khác nữa, miền lưu vực sông Cửu Long. Không một vùng ngoại ô lân cận nào khác nữa, miền lưu vực này bắt đầu ngay liền từ ranh hạt Chợ lớn, và phong cảnh thay đổi từ miền thành thị đến miền thôn quê một cách rất là đột ngột. Những đồng ruộng chạy dài theo xa lộ trong một khoảng rộng đều bị đứt đoạn chỗ này chỗ nọ bởi những lùm cây lớn của miền nhiệt đới bao vây đặc kín những ấp; những ấp này hợp lại tạo thành các làng mạc miền lưu vực.
Làng mạc thuộc miền lưu vực không gồm có nhiều nông trại tụ tập lại thành một làng đóng kín như những thôn làng ở Bắc và Trung phần Việt Nam. Đây chỉ là một khu vực gồm có bốn hoặc năm ấp và những đồng ruộng phụ cận của các ấp. Trên đường đi về miền nam để đến miền lưu vực, người ta phải đi qua nhiều cầu nhỏ và hai cái cầu sắt lớn. Cầu sắt lớn thứ nhì bắc ngang qua sông Vàm Cỏ; trên bờ sông này phía Nam, con đường xoay về phía thành phố Tân An, một thành phố có chợ và cũng là tỉnh lỵ của Long An. Cách đó bốn cây số về hướng Nam Tân An và độ 50 cây số cách Saigon, con đường chạy ngang qua làng Khánh Hậu. Những ấp hợp thành làng Khánh Hậu nằm xa đường chính và vật độc nhất để phân biệt làng này với những làng khác ở trong vùng là một tấm bảng chỉ cho biết rằng Khánh Hậu là nơi có phần mộ của một vị võ quan anh hùng Việt Nam trong thế kỷ 19, tức là Đức Tiền Quân Nguyễn Huỳnh Đức, và những cơ sở mới xây cất của Trung Tâm Giáo Dục Căn Bản do Cơ quan Giáo Dục, Văn Hóa và Khoa Học của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đài thọ.
Làng Khánh Hậu bao gồm một vùng gần một ngàn mẫu đất với một dân số 3.100 người mà đa số đều trực tiếp hay gián tiếp chuyên về nghề nông. Một con đường gập ghềnh và bụi bậm đưa đến ấp chính của làng, tức Ấp Dinh, nhưng những ấp khác như Ấp Mới, Ấp Thủ Tựu, Ấp Nhơn Hậu và Ấp Cầu chỉ có thể đi đến được do những con đường mòn men theo bờ mẫu có chỗ đắp thành bờ đê xắn ngang mấy thửa ruộng. Khánh Hậu như thể một làng kiểu mẫu của miền lưu vực nằm về phía Nam sông Saigon và phía đông Đồng Tháp Mười. Về diện tích, làng thuộc vào hạng trung bình, có một địa thế như những nơi khác thuộc miền lưu vực. Giống với phần đông các làng mạc khác ở miền lưu vực, nền kinh tế của làng này căn cứ vào nghề làm ruộng, và các loại trồng trọt đặc biệt về nông nghiệp của miền Nam đều có tại Khánh Hậu. Những định chế xã hội của làng hầu như cũng giống với những định chế đã diễn tả trong các văn phẩm nói về đời sống hương thôn Việt Nam. Sau cùng, tại Khánh Hậu ta nhận thấy một sự hỗn hợp về các tôn giáo, như Phật giáo, Đạo giáo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo và sự thờ phượng trong làng đã cho ta thấy rõ sắc thái tôn giáo ở miền Nam Việt Nam.”

Trích Lời mở đầu

icons8-exercise-96 chat-active-icon