Tứ thập nhị chương

90,000

Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh được phiên dịch đầu tiên ở Trung Quốc.
Nguyên vào đời Hậu Hán (Đông Hán) niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 3 (TL. 53), một hôm, Vua Minh Đế nằm mộng “Thấy một người mình vàng, cao một trượng sáu, trên đỉnh có hào quang chiếu sáng như mặt nhật, bay đến trước sân diện của nhà vua”. Sáng ra, nhà vua bèn đem điềm mộng ấy hỏi trong quần thần, khi ấy có Ông Thái Sư Phó Nghị tâu rằng “Thần nghe bên Tây Vức có vị thánh lấy hiệu là Phật Đà, toàn thân một màu vàng kim sắc. Có khi bệ hạ đã thấy ngài đó chăng?”.
Nghe xong, nhà vua liền sai Ông Thái Hâm và Vương Tuân, phái đoàn cả thảy 18 người qua nước Đại Nhục Chi thuộc về Ấn Độ, để thỉnh kinh tượng. Đi nữa đường, phái đoàn gặp hai vị Pháp sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng bạch mã chở kinh điển từ Thiên Trúc qua Trung Quốc. Mãi đến năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình (TL. 60), phái đoàn mới về tới Lạc Dương. Bấy giờ, vua Minh Đế liền sắc chỉ cho cho xây cất chùa Bạch Mã để thờ Phật và Kinh, đồng thời cũng cung thỉnh hai vị Pháp sư ở đó lo việc phiên dịch, truyền bá, và bộ kinh “Tứ Thập nhị Chương” được hai Ngài phiên dịch trước nhất.
Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh hàm chứa được sự lý rất tinh diệu và phong phú.
Về sự, thì ngay trong chương đầu đã ghi được thành tích trước sau của Đức Thế Tôn thành đạo và nói pháp, nên kinh này có thể làm những bài học quý báu để ghi nhớ bổn hạnh của Đức Thích Ca Từ Phụ vậy.
Về lý, thì Tứ Thập Nhị Chương bao quát tất cả giáo nghĩa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Ngay nơi đó, người đọc, có thể biết được Pháp yếu của Phật pháp, không cần tìm tòi đâu nữa. Để chứng minh điều đó, chúng ta hãy tìm ý chỉ của mỗi chương như sau:
1. – Trong 42 chương, ba chương đầu là lời dạy chung về hạnh quả có cả Tam thừa, vì họ đều lấy liễu thoát sanh tử làm căn bản (Tam thừa tức là Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát). Chỗ thông nhau của họ đều lấy sự xuất gia làm NHÂN, liễu thoát sanh tử làm QUẢ. Đó là cộng giáo hạnh quả của Tam thừa vậy.
2. – Từ chương 4 đến chương 8 là thuyết minh nghĩa nhân quả thiện ác của thế và xuất thế. Đấy là nghĩa thiện ác thông cả Ngũ thừa. Y trên hai nghĩa này, ta thấy tất cả các Pháp thế gian và xuất thế gian đều được tóm thâu không sót.
3.- Từ chương 9 đến chương 38 là đặc biệt thuyết minh về thắng hạnh của Đại thừa bất cộng. Lục độ, vạn hạnh đều được hàm chứa trong đó. Vì thế mà trong kinh này, giản lược nghĩa lý Tiểu thừa, thuyết minh rõ về nghĩa lý Đại thừa để đem tất cả Phật pháp về một mối.
4. – Từ chương 39 đến chương 41 là nói tổng quát về giáo, lý và hạnh. Giáo phải tín thọ, Lý phải thông hiểu, Hạnh phải tu trì.
5. – Chương cuối cùng là tổng kết: phải đem Phật trí mà quán sát khắp tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian.
Y cứ trên những lý lẽ đã trình bày, thì dù cho sau này, các vị cổ đức có phương tiện diễn nói bao nhiêu nghĩa lý trong ba tạng mười hai bộ kinh chăng nữa, cũng không thể vượt ra ngoài bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương này được.
Ấy là chỗ tinh diệu, phong phú của Kinh Tứ Thập Nhị Chương vậy.

Trích Lời nói đầu.

Danh mục: Từ khóa: ,
icons8-exercise-96 chat-active-icon