Khảo luận về tuồng Quần Phương Tập Khánh

158,000

NDĐT – Một cuốn sách công phu về nghệ thuật tuồng vừa được NXB Thế giới ấn hành với sự tài trợ kinh phí xuất bản từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Đó là công trình “Khảo luận về tuồng “Quần phương tập khánh” của TS Nguyễn Tô Lan.

Chị nguyên là sinh viên ngành Hán Nôm Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, hiện công tác tại Viện Hán Nôm, đã xuất bản hơn 40 bài tạp chí trong và ngoài nước, đồng tác giả, dịch giả, đồng dịch giả hơn 10 xuất bản phẩm. TS Tô Lan từng có những khoảng thời gian nghiên cứu, học tập tại Viện Harvard – Yenching, Hoa Kỳ, Viện KHXHNV ĐH Tokyo, Nhật Bản, thuyết trình tại nhiều trường ĐH ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Chị cho biết, cuốn sách “Khảo luận về tuồng “Quần phương tập khánh” được xây dựng từ hai sản phẩm – quá trình nghiên cứu của mình, đó là luận án TS “Nghiên cứu văn bản tuồng “Quần phương tập khánh” và luận án ThS “Nghiên cứu hệ thống thư tịch Hán Nôm Việt Nam qua cac bộ thư mục quốc gia của triều Nguyễn”.

Triều Nguyễn (1802 -1945) là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật tuồng. Theo tác giả, ở thời hoàng kim, tuồng có hệ thống kịch mục phong phú không môn nghệ thuật truyền thống nào sánh bằng. Việt Nam có ba bộ tuồng độc sáng – là sáng tạo tự thân – tiêu biểu là “Vạn bửu trình tường”, “Học lâm” và “Quần phương tập khánh”. Tác phẩm “Quần phương tập khánh” được coi là hết sức độc đáo với cốt truyện thuần Việt, hệ thống nhân vật đa dạng, phức tạp lên tới con số 103. Vở được các văn thần triều Nguyễn biên soạn, lấy tên các loài thảo mộc đặt cho nhân vật. Với độ dài và sự phức tạp, TS Tô Lan cho biết: Vở tuồng xưa kia được diễn liên tục nhiều ngày đêm trong triều, được ưa chuộng tới mức một số trích đoạn của nó đã lưu truyền trong dân gian và được coi là kịch mục kinh điển của nghệ thuật tuồng tại kinh đô Huế.

Diễn viên tuồng đồng ấu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn thành, cuốn sách là kết quả của nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước. Tác giả đã đặt vở tuồng trong bối cảnh văn bản tuồng Nôm Việt Nam; khảo biện về tên tác phẩm, niên đại văn bản, niên đại của vở và tác giả tuồng; làm sáng rõ những giá trị văn chương của vở tuồng về cốt truyện, hình tượng nhân vật, văn thể, nghệ thuật ngôn từ… Cuốn sách nhờ thế, trở nên một ấn phẩm công phu, giàu tính tư liệu và thể hiện những nỗ lực trong việc khai thác, nghiên cứu, khẳng định những giá trị của một tác phẩm hàng đầu của tuồng truyền thống Việt Nam.

GS.TS Trần Ngọc Vương, người đã hướng dẫn nghiên cứu sinh Tô Lan làm luận án TS, cho biết: “Khi chọn hướng đề tài làm luận án TS, chị có nguyện vọng được giao một đề tài hay một định hướng đề tài có thể theo đuổi lâu dài. Rất mừng vì vẫn còn người có nguyện vọng mang tinh thần “nam nhi chí” như vậy, tôi đã đề nghị chị “nộp mình” cho tuồng”. GS Trần Ngọc Vương coi công trình như một cái hố, một cái giếng mà học trò đã khoét sâu được, vào vỉa “quặng chữ” đặc biệt mà nhiều thế hệ cha ông xưa đã chất lại.

 

HOÀNG THI

Hết hàng

icons8-exercise-96 chat-active-icon