Tiểu Tạng Kinh – Trung A hàm

576,000

Trung A-hàm, bản Hán dịch của Tăng-già-đề-bà (Saṅghadeva) hiện hành được nói là Thánh điển của Hữu bộ (Sarvāstivāda). Điều này được phần lớn các nhà nghiên cứu hiện đại thừa nhận.[1]

Luật của các bộ phái, như Ngũ phần, Tăng-kỳ, Tứ phần, Thiện kiến,[2] đều có quan điểm như nhau, theo đó, ngay trong đại hội kết tập lần thứ nhất tại thành Vương xá các bộ loại Thánh điển nguyên thủy đã được định hình, trong đó, các kinh có lượng trung bình, không dài không ngắn được tập họp chung thành một bộ loại gọi là Trung.[3] Định nghĩa này không tuyệt đối chính xác, xét theo hình thức các kinh thuộc Trung A-hàm bản Hán dịch hiện tại. Trong số các kinh được gọi là Trung, tương đương với các kinh được tìm thấy trong Majjhima-Nikāya, cũng có một số các kinh được tìm thấy tương đương trong Trường A-hàmTạp A-hàmTăng nhất, hoặc trong các bộ Dīgha-NikāyaSamyutta-NikāyaKhuddaka-Nikāya. Vì vậy, luật Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa của Hữu bộ nêu một định nghĩa khác: “Những nghĩa lý sâu xa được nói cho hàng chúng sinh lợi căn, tập hợp thành Trung A-hàm.”[4]

Do bởi nguyên bản Phạn hay Sanskrit đã thất lạc,[5] cũng không có bản dịch Tây Tạng tương đương, ngoại trừ bản dịch Hán, cho nên hiện nay cũng chưa có khảo cứu nào khả dĩ xác định hình thức tập thành nguyên thủy của Kinh này. Trong thời kỳ đầu, các kinh thuộc Trung A-hàm được dịch Hán sớm nhất có thể nói do bởi An Thế Cao, nay vẫn có thể đọc được trong Đại chính tạng. Đây chỉ là bảy trong số 222 kinh hiện được biết.

Nhìn chung, khởi đầu từ An Thế Cao, trong khoảng niên hiệu Kiến Hòa 2 đời Hậu Hán (tl. 148), cho đến Pháp Hiền, đến niên hiệu Hàm Ninh 4 đời Tống (tl. 1001), có tất cả 70 kinh đơn hành bản thuộc Trung A-hàm.

An Thế Cao người nước An Tức (Ba-tư). Từ đây đi vào Ấn, ngang qua Gandhara, căn cứ địa phía Tây của Nhất thiết hữu bộ; như vậy, các bản kinh thuộc Trung A-hàm mà An Thế Cao dịch tất có những liên hệ giáo nghĩa đối với bộ phái này, trực tiếp hoặc gián tiếp.

Theo Tăng Duệ, trong bài tựa cho Trường A-hàm, nguyên hình của Trung A-hàm gồm bốn phần, năm tụng.[6] Về năm tụng, đó là chỉ cho hình thức kết tập, theo thời gian – mỗi ngày một tụng, còn được thấy nguyên hình trong bản Hán dịch hiện tại. Về bốn phần, hiện chưa xác định được cách phân chia này.

Tổ chức của Kinh, tổng cộng có 222 kinh, được kết tập trong năm ngày tụng. Theo đó, tụng ngày thứ nhất gồm 6 phẩm, gọi là 6 “tương ưng”, gồm 64 kinh. Không nói địa điểm tụng.

Tụng ngày thứ hai, được nói là tụng tại Tiểu thổ thành,[7] gồm 5 phẩm, 52 kinh.

Tụng ngày thứ ba, được gọi là “Niệm tụng”; không nói địa điểm; gồm 2 phẩm, 35 kinh.

Tụng ngày thứ tư, “Phân biệt tụng”; 3 phẩm, 35 kinh.

Tụng ngày thứ năm, “Hậu tụng”; 3 phẩm, 36 kinh.

Căn cứ theo bài tựa cho Tạp A-hàm bởi Thích Đạo An, và theo bản kinh lục của Tăng Hựu,[8] toàn văn Trung A-hàm lần đầu tiên được phiên dịch sang Hán phải kể là do Đàm-ma-nan-đề (Dharmanandi) trong khoảng niên hiệu Kiến Nguyên 20 (tl. 384), gồm 59 quyển. Đàm-ma-nan-đề người Đâu-khư-lặc (Tukhāra), chuyên trì hai bộ Trung và Tăng nhất A-hàm. Niên hiệu Kiến Nguyên triều vua Tần Phù Kiên, đến Trường An, rất được Phù Kiên trọng vọng. Vũ uy Thái thú Triệu Chính, thị thần của Phù Kiên, rất sùng mộ Phật pháp, thỉnh cầu ngài Đạo An, tập họp các tăng sĩ nghĩa học trong thành Trường An, dưới sự chủ trì của Đàm-ma-nan-đề, phiên dịch Trường và Tăng, có Trúc Phật Niệm và Đạo Tung làm bút thọ.[9] Bản dịch này – cũng như các bản dịch khác của Đàm-ma-nan-đề, theo nhận xét của Đạo Từ, trong bài tựa cho Trung A-hàm, phần nhiều sai lạc với ý chỉ của nguyên bản, danh không phù hợp với thật.[10] Hẳn đây là lý do xuất hiện bản trùng dịch của Tăng-già-đề-bà.

Tuy có sự nghi ngờ về dịch giả của bản dịch Trung A-hàm hiện tại có thể là cải bản từ bản dịch trước đó của Đàm-ma-nan-đề, [11] nhưng ý kiến này chưa được đồng tình một cách phổ biến. Vì vậy, ở đây Tăng-già-đề-bà vẫn được chấp nhận là dịch giả.

icons8-exercise-96 chat-active-icon